Sáng 28/10, tại Hà Nội, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo giới thiệu Những điểm mới của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) và chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Phạm Huy Nam Sơn cho biết, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, so với thời điểm ban hành Luật, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung.
Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế.
"Sau 16 năm thi hành, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia." - Ông Sơn nhấn mạnh.
Quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn để hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã thẩm định. Ngày 13/6/2024, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/06/2024.
Đến nay, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 89 điều, bố trí thành 09 chương
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát 04 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể là: (1) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (2) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (3) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (4) Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Dự thảo Luật gồm 89 điều và được bố cục thành 09 chương, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung: Quy định về phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động hóa chất; Chính sách của nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; Các hành vi bị nghiêm cấm và Thực hiện điều ước quốc tế về quản lý hóa chất.
- Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất: Quy định về chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất; Các yêu cầu đối với dự án hóa chất; Cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm; Bổ sung quy định về hoạt động tư vấn hóa chất là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, gồm 4 Mục, 30 Điều, bao gồm: Quy định chung đối với hoạt động hóa chất (mục 1); Quy định về Hóa chất có điều kiện (mục 2); Quy định về Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt (mục 3); Quy định về Hóa chất cấm (mục 4). Các quy định tại Chương này nhằm quản lý các hoạt động trong vòng đời của hóa chất, trong đó một số hoạt động đã có các quy định chuyên ngành được dẫn chiếu đến các quy định chuyên ngành để bảo đảm sự thống nhất.
- Chương IV. Thông tin hóa chất: Cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới, thông tin về hóa chất, bảo mật thông tin và Cơ sở dữ liệu hóa chất do việc áp dụng các quy định này đã ổn định, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất, phiếu an toàn hóa chất; trách nhiệm của Bộ Công hương trong việc nâng cấp, cập nhật Cơ sở dữ liệu hóa chất và xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu hóa chất.
- Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Quy định trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm phải xây dựng quy trình quản lý hóa chất; Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm công bố thông tin hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm trên Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng, không phát sinh thủ tục hành chính.
- Chương VI. An toàn hóa chất: Quy định các yêu cầu chung về cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn đối với các hoạt động hóa chất nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hóa chất; Nội dung, thời lượng, năng lực của người huấn luyện an toàn chuyên ngành hóa chất; Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ và kịp thời ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất.
- Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng: Cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất hiện hành vì đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
- Các quy định tổ chức thực hiện: Chương VIII, IX dự thảo Luật quy định về tổ chức thực hiện, bao gồm: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất và Điều khoản thi hành.
Luật Hóa chất (sửa đổi): Giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình
Dự thảo Luật quy định 12 nhóm thủ tục hành chính, trong đó 04 nhóm thủ tục hành chính mới, 06 nhóm thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung và 02 nhóm thủ tục hành chính giữ nguyên, đồng thời bãi bỏ 09 nhóm thủ tục hành chính hiện nay trong lĩnh vực hóa chất.
"Các thủ tục hành chính được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các cải cách thủ tục hành chính tại dự thảo Luật nhận được sự đồng tình cao của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất." - Đại diện Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện Cục Hóa chất cũng đã có bài trình bày, giới thiệu về những điểm mới của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), cụ thể: (i) Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm; (ii) Thiết kế lại hệ thống quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (iii) Bổ sung quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; và (iv) Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, thảo luận, đóng góp cho Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 liên quan đến các nhóm vấn đề như: khai báo hóa chất; mua bán nhập khẩu hóa chất; quản lý các hoạt động trong vòng đời của hóa chất; đăng ký hóa chất,...
Kết luận tại Hội thảo, thay mặt Cục Hóa chất và Ban soạn thảo, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất Phạm Huy Nam Sơn gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã tham dự và có ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cũng cho biết, sẽ xem xét và tiếp thu những ý kiến xác đáng để đưa vào hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).